Theo Kaplan và Norton, bản đồ chiến lược là một sơ đồ mô tả cách thức một tổ chức sáng tạo ra giá trị bằng việc kết nối các mục tiêu chiến lược trong mối quan hệ nguyên nhân và kết quả với mỗi yếu tố trong viễn cảnh của thẻ điểm cân bằng.
Từ 1996, Kaplan và Norton đã đề xuất Bản đồ chiến lược và sử dụng bản đồ chiến lược để giúp đỡ việc hoạch định các chiến lược. Bài viết này sẽ minh họa việc xây dựng bản đồ chiến lược cho một công ty và từ bản đồ chiến lược này, các KPI được xây dựng.
Cấu trúc bản đồ chiến lược
Bản đồ chiến lược gồm các các viễn cảnh được sắp xếp theo chiều dọc. Trong ví dụ này, bốn viễn cảnh Tài chính, Khách hàng, Quy trình và Học hỏi và Phát triển được sử dụng. Hàng ngang là các mục tiêu chiến lược của từng viễn cảnh.
Chiến lược của công ty được chuyển tải xuống các mục tiêu chiến lược của từng viễn cảnh. Trong bản đồ chiến lược, mục tiêu chiến lược có mối quan hệ nhân quả với nhau. Sự tăng lên của một mục tiêu chiến lược bên dưới sẻ ảnh hưởng tới mục tiêu chiến lược bên trên. Ví dụ nếu mục tiêu chiến lược sự hài lòng của khách hàng tăng lên, thì sẽ kéo theo sự tăng doanh thu ở viễn cảnh tài chính.
Bản đồ chiến lược
Ví dụ chiến lược của công ty là chú trọng doanh thu nhiều hơn lợi nhuận và hướng tới các khách hàng có nhu cầu sản phẩm chất lượng cao và đa dạng. Doanh thu được tạo ra nhờ làm hài lòng khách hàng ở các yếu tố: nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và hệ thống phân phối sẵn có cùng với việc phát triển hình ảnh thương hiệu.
Để đạt được sự hài lòng cho khách hàng công ty đã chú trọng quản trị tác nghiệp: sản xuất chất lượng cao, mở rộng hệ thống phân phối; trong quản trị khách hàng là tăng trưởng khách hàng và giữ khách hàng hiện có; trong quản trị đổi mới chú trọng thiết kế và nghiên cứu phát triển. Tất cả những điều này đạt được đòi hỏi về khía cạnh học tập nhân sự là công ty cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực và động viên đội ngũ nhân viên (đặc biệt là nhóm nhân viên R&D và thiết kế) hướng tới sản phẩm và các hoạt động sáng tạo, chất lượng tuyệt hảo.
Từ mục tiêu và bản đồ chiến lược, các KPI tương ứng được xây dựng như sau:
Khía cạnh BSC |
Mục tiêu chiến lược |
Yếu tố quyết định thành công |
KPI |
Tài chính |
Tăng doanh thu |
Tăng doanh thu |
Tổng doanh thu Trong đó doanh thu sản phẩm mới |
Sử dụng vốn hiệu quả |
Lợi nhuận |
Lợi nhuận sau thuế |
|
Thị trường khách hàng |
Gia tăng hài lòng của khách hàng |
Sự hài lòng của khách hàng |
Mức độ (%) hài lòng của khách hàng |
Giảm % khiếu nại đúng của khách hàng |
|||
Số lần giao hàng trễ/sai |
|||
Phát triển thị trường |
Phát triển thị trường |
Số lượng đại lý cấp 1 |
|
Quy trình |
Hoàn thiện hệ thống quản lý |
Hoàn thiện hệ thống quản lý |
Mức tiêu hao NVL thực tế/Sản phẩm so định mức kế hoạch |
Chỉ số hiệu suất MMTB (OEE) |
|||
Hoàn thiện quy trình và quản lý chất lượng |
Bảo đảm hệ thống chất lượng |
Tỷ lệ phế phẩm |
|
Giá trị hàng trả lại |
|||
Số lỗi không phù hợp |
|||
Nhân sự, học tập và cải tiến |
Bảo đảm nhân sự có năng lực phù hợp |
Nâng cao năng lực chuyên môn |
Tỷ lệ CBNV đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực |
Tỷ lệ CBNV đáp ứng tiêu chuẩn năng lực |
|||
Nâng cao mức độ thỏa mãn của CBNV |
Hoàn thiện môi trường làm việc |
Mức độ (%) hài lòng với công việc của CBNV |
|
Số lỗi vi phạm về văn hóa doanh nghiệp và nội quy lao động |
Lợi ích của việc sử dụng bản đồ chiến lược
- Mang lại những mục tiêu rõ ràng, đơn giản, trực quan.
- Hợp nhất mọi mục tiêu thành một chiến lược duy nhất.
- Xác định được mục tiêu trọng yếu nhất.
- Giúp nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu cá nhân
- Đo lường được kết quả đạt được khi thực hiện các mục tiêu
- Nắm được những yếu tố nào trong chiến lược cần được cải thiện.
Trần Kim Dung
Bài viết có bản quyền của KeeView, xin vui lòng ghi rõ nguồn www.KeeView.com khi trích dẫn hoặc đăng lại.