Xác định giá trị công việc là quá trình nghiên cứu, xác định một cách hệ thống giá trị tương đối của công việc trong mối tương quan với các công việc khác của doanh nghiệp. Xác định giá trị tương đối của công việc dựa trên các đánh giá nhất quán, minh bạch, rõ ràng về các thành phần cấu thành nên giá trị công việc trong tổ chức.
Theo phương pháp tính điểm, công việc được chia thành các nhóm tiêu chí theo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm và điều kiện làm việc, mỗi nhóm tiêu chí có một số điểm theo quy định. Tổng điểm giá trị của công việc thể hiện giá trị tương đối của một công việc so với các công việc khác. Công việc càng phức tạp, giá trị công việc càng cao, tương ứng lương càng cao.
Mặc dù các phương pháp xác định giá trị công việc bằng điểm đều phải quan tâm đến 4 thành phần chủ yếu là kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm và điều kiện làm việc, nhưng mỗi trường phái có cách tiếp cận riêng trong việc phân chia và tính điểm cho 4 thành phần này. Khi số lượng tiêu chí thành phần ít, ví dụ chỉ có 3-4 tiêu chí) việc xác định giá trị công việc sẽ nhanh, ít tốn thời gian nhưng khó thuyết phục người lao động vì những gì họ đóng góp cho doanh nghiệp dường như không được ghi nhận đầy đủ; ngược lại khi số lượng tiêu chí thành phần nhiều, sẽ tốn thêm thơi gian thực hiện nhưng mức độ chính xác tăng thêm và dễ thuyết phục người lao động vì những gì họ đóng góp cho doanh nghiệp đều được ghi nhận.
Theo KeeView, các tiêu chí thường sử dụng trong xác định giá trị công việc như sau
-
Kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để thực hiện công việc
- Yêu cầu về trình độ đào tạo chuyên môn, quản trị
- Kinh nghiệm cần thiết tương ứng cho chức danh công việc
-
Kỹ năng làm việc
- Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ
- Kỹ năng làm việc với vi tính văn phòng
- Kỹ năng giao tiếp, làm việc với người khác
- Kỹ năng làm việc với thông tin dữ liệu
- Kỹ năng tổ chức, điều hành công việc
- Kỹ năng ra quyết định
- Kỹ năng làm việc với máy móc thiết bị và công nghệ kỹ thuật
- Năng lực sáng tạo
- Kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ
-
Trách nhiệm
- Phạm vi trách nhiệm chung trong công việc
- Trách nhiệm đối với các nguồn lực tài chính, tài sản hưũ hình
- Trách nhiệm quản lý nhân sự
- Trách nhiệm về công nghệ kỹ thuật và bảo mật thông tin, dữ liệu
-
Điều kiện làm việc
- Áp lực tinh thần, tâm lý
- Rủi ro khó tránh trong công việc
- Sự cố gắng về thể lực
- Điều kiện vệ sinh lao động
- Mức độ bận việc
Phương pháp tính điểm được sử dụng để thiết lập giá trị công việc và thiết lập bảng lương với uu điểm là chi tiết, chính xác hơn các phương pháp xác định giá trị công việc khác, và tương đối dễ sử dụng, có thể dễ dàng được diễn giải và giải thích cho người lao động nhưng có nhược điểm là tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí khi thực hiện.
Trần Kim Dung
Bài viết có bản quyền của KeeView, xin vui lòng ghi rõ nguồn www.KeeView.com khi trích dẫn hoặc đăng lại.