Tiêu chuẩn công việc cùng với mô tả công việc là công cụ căn bản và then chốt cho tất cả các hoạt động quản trị nhân lực. Bảng tiêu chuẩn công việc là văn bản liệt kê tất cả những yêu cầu năng lực chủ yếu đối với nhân viên thực hiện công việc.
Do các công việc rất đa dạng nên các yêu cầu chủ yếu đối với nhân viên thực hiện công việc cũng rất đa dạng. Những yếu tố chính thường đề cập đến trong bảng tiêu chuẩn công việc là:
1. Trình độ văn hoá, chuyên môn, trình độ ngoại ngữ có liên quan đến công việc,...
Ví dụ: yêu cầu tiêu chuẩn văn hoá, chuyên môn của chức danh giám đốc kinh doanh ở mức độ cần thiết (là các tiêu chuẩn tối thiểu, bắt buộc cần có cho chức danh):
- Kiến thức chuyên sâu trong các chuyên ngành: quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, ...ngoại thương hoặc chuyên ngành thuộc sản phẩm dịch vụ của công ty.
- Có kiến thức chuyên sâu về bán hàng và marketing.
Mức độ mong muốn (là các tiêu chuẩn hợp lý cao nhất, mong muốn người thực hiện chức danh nên có):
- Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về các nguyên tắc quản trị, kinh doanh bao gồm hoạch định chiến lược, phân bổ nguồn lực, phối hợp hoạt động với các bộ phận khác;
- Hiểu biết chuyên sâu các kiến thức nghiên cứu thị trường và quy trình chăm sóc khách hàng. Có khả năng đánh giá nhu cầu khách hàng, đáp ứng những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá được mức độ hài lòng của khách hàng.
- Có kiến thức nhân sự cơ bản về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, phúc lợi cho nhân viên, hiểu biết về hệ thống thông tin nhân sự, những mối quan hệ trong lao động.
2. Kinh nghiệm/kỹ năng làm việc bao gồm thời gian ở chức vụ và những kinh nghiệm cụ thể liên quan các kỹ năng nghề nghiệp ví dụ như phát triển mạng lưới bán hàng trong toàn quốc, lập dự án, thiết kế sản phẩm mới,...
3. Các phẩm chất, đặc điểm cá nhân được các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm nhưng rất khó đo lường, thường chỉ có quan sát trong thực tế như:
- Tinh thần trách nhiệm
- Chính trực, năng động, sáng tạo.
- Lương thiện và có đạo đức nghề nghiệp.
- Tác phong linh hoạt, hòa đồng và cầu tiến.
- Luôn suy nghĩ tích cực, biết truyền lửa cho đồng nghiệp, nhân viên và khách hàng.
Minh chứng thuyết phục nhất về năng lực của một người theo tiêu chuẩn công việc là kết quả thành tích và khả năng xử lý vấn đề của người đó. Ngoài ra, khi thực hiện đánh giá năng lực, có thể kết hợp sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nữa như: quan sát, phỏng vấn, trắc nghiệm, khảo sát phản hồi 360 độ, thông qua các trung tâm đánh giá,... Chỉ khi nào không thể / khó/ hoặc quá tốn kém khi thực hiện thì việc đánh giá kiến thức chuyên sâu mới cần sử dụng bằng cấp, chứng chỉ.
Trần Kim Dung
Bài viết có bản quyền của KeeView, xin vui lòng ghi rõ nguồn www.KeeView.com khi trích dẫn hoặc đăng lại.